Di sản thế giới Văn_hóa_Triều_Tiên

Điện thờ Jongmyo.Cung Changdeok, Seoul.Bulguksa, Gyeongju, Nam Triều Tiên.Chùa HaeinsaPháo đài Hwasong, Nam Triều Tiên.Mộ đá ở Gochang, Gwangju.

Triều Tiên có nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận.

Miếu thờ Jongmyo

Bài chi tiết: Jongmyo

Miếu thờ Jongmyo tọa lạc tại Seoul đã có tên trong danh sách Di sản văn hóa thế giới của UNESCO vào năm 1995. Miếu thờ này dành để thờ cúng các linh hồn tổ tiên của gia đình hoàng gia triều đại nhà Triều Tiên và chịu ảnh hưởng nhiều bởi truyền thống Nho giáo. Hàng năm, nơi đây diễn ra buổi diễn âm nhạc cung đình hoành tráng thời xưa (với nhiều điệu múa) có tên gọi Jongmyo jeryeak.

Khi được xây dựng năm 1394, miếu thờ Jongmyo được đánh giá là một trong những công trình dài nhất châu Á. Miếu thờ đã bị thiêu đốt hoàn toàn trong cuộc xâm lược của Nhật Bản vào năm 1592, nhưng đã được tái thiết lại vào năm 1608.

Cung Changdeok

Bài chi tiết: Cung Changdeok

Cung Changdeok nằm giữa Seoul là một tổng thể gồm nhiều gian cung hơn bất cứ cung điện nào vào thời bấy giờ và được mở rộng nhiều lần trong suốt chiều dài lịch sử, được thiết kế và xây dựng theo những thông số kỹ thuật được truyền lại từ thời Tam Quốc (Triều Tiên), do đó giữ lại được những nét độc đáo của kiến trúc Triều Tiên.[23] Cung Changdeok bị cháy trong cuộc xâm lược của Nhật Bản vào năm 1592 và được xây dựng lại vào năm 1609. Trong hơn 300 năm, cung Changdeok là nơi ở của hoàng đế.

Cung Changdeok được xây dựng với nguyên tắc giản thiểu tối đa ảnh hưởng từ môi trường tự nhiên, mặt khác lại được thiết kế để hài hòa tuyệt đối với thiên nhiên ở mức cao nhất.[23] Một số cây phía sau cung điện hiện nay đã trên 300 năm tuổi và nằm gần một cây hơn 1000 năm tuổi được bảo tồn. Năm 1997, cung Changdeok được đưa vào danh sách Di sản văn hóa thế giới.

Chùa Bulguksa

Bài chi tiết: Bulguksa

Bulguksa còn có tên gọi là Phật quốc tự. Ngôi chùa được xây dựng vào năm 528 vào triều đại Tân La và trải qua vô số lần tu sửa từ triều đại nhà Triều Tiên. Trong chiến tranh Nhật Bản 1592-1598, ngôi chùa đã bị cháy rụi. Năm 1604, chùa được tái thiết lại lần nữa và tu sửa khoảng 40 lần cho đến tận năm 1805, tuy nhiên vẫn trải qua nhiều lần hư hại và cướp bóc. Năm 1969, Hội đồng Trùng Tu Bulguksa được thành lập, tái dựng lại những khu chùa đã từng tồn tại và tu sửa những khu có sẵn.

Chùa Bulguksa ngày nay có nhiều di chỉ văn hóa được bảo tồn, trong đó nổi bật là Dabo-tap (Tháp Đại Bảo) – quốc bảo số 20, Sukga-tap (Tháp Thích Ca Mâu Ni) – quốc bảo số 21. Cả hai đều là những hình mẫu tuyệt vời cho kiến trúc của triều đại Tân La thế kỷ thứ 8, với cùng kiểu thiết kế cân bằng cấu trúc vuông, bát giác và tròn. Giữa hai chánh điện phục vụ cho việc cầu kinh là những cầu thang có thiết kế bên dưới dạng vòm cong như cây cầu, tượng trưng cho sự kết nối giữa thế giới trần tục bên dưới và Phật giới bên trên. Có một số ý kiến cho rằng, những cầu thang này tượng trưng cho cuộc sống của một thanh niên và một người cao tuổi. Đây được xem là những quốc bảo duy nhất còn nguyên vẹn từ thời Tân La đến nay.

Chùa Haeinsa và khu nhà Janggyeong Panjeon

Bài chi tiết: Haeinsa

Ngôi chùa Haeinsa (Hải Ấn tự - một trong Tam Bảo Tự của Triều Tiên) nằm trên núi Kaya là ngôi nhà của những phiến gỗ Tripitaka (Tam Tạng) Koreana, một bộ sưu tập đầy đủ nhất các bản kinh, giáo pháp và những thỏa ước Phật giáo còn tồn tại đến hiện nay được khắc trên hơn 80.000 phiến gỗ vào khoảng thời gian từ năm 1237 đến 1248. Các phiến gỗ này được khắc khi Phật tử Triều Tiên thỉnh cầu thần Phật giúp bảo vệ quốc gia chống lại những cuộc xâm lược của Mông Cổ.

Bộ sưu tập này cũng là một di sản văn hóa vô giá bởi vì ý nghĩa lịch sử to lớn và mối liên hệ đến tư tưởng, tôn giáo, các sự kiện lịch sử cũng như những trải nghiệm của người xưa. Những phiến gỗ được lưu trữ này là phiên bản hoàn thiện và đầy đủ nhất của các bản thánh thư đạo Phật trên toàn thế giới. Chùa Haeinsa là điểm đến nổi tiếng của những người hành hương của những Phật tử và nhà học giả từ khắp nơi trên thế giới.

Pháo đài Hwaseong

Trong nhiều thế kỷ, pháo đài Hwasong đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của kiến trúc Hàn Quốc, quá trình kiến thiết kinh đô và thiết lập cảnh quan cùng các nghệ thuật liên quan khác. Pháo đài Hwaseong nằm ở chân núi Paltalsan tại Suwon, mang nét đặc trưng cho cấu trúc pháo đài ở vùng Viễn Đông và là một cột mốc lịch sử kiến trúc quân sự. Với những chức năng quân sự, chính trị và thương mại cao, Hwasong có nhiều điểm khác biệt với những pháo đài ở Trung Quốc và Nhật Bản. Pháo đài Hwaseong là nơi bảo vệ an toàn ngai vàng của vua Chongjo sau khi dời đô. Đến giữa những năm 1794 và 1796, pháo đài được xây dựng lại.

Những bức tường thành khổng lồ của pháo đài trải dài theo địa hình và bao quanh một khu vực rộng lớn bao gồm cả chân núi Paltaisan với 48 công trình phòng thủ.

Khu mộ đá Gochang, Hwasun và Ganghwa

Các nghĩa trang thời tiền sử tại Gochang, Hwasun và Ganghwa là nơi tập trung các mộ đá với mật độ dà và đa dạng chủng loại nhất trên toàn thế giới. Những ngôi mộ được xây dựng từ các phiến đá lớn có từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Mộ đá là một phần quan trọng tạo nên nền văn hóa cự thạch - một đặc điểm nổi bật trong Thời đại Đồ đá mới và Thời đại Đồ đồng - được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới.

Tại khu mộ đá Gochang tập trung những nhóm mộ lớn nhất và đa dạng nhất, tổng cộng có 442 mộ đá đã được ghi nhận dựa vào hình dạng của phiến đá lớn.

Khu di tích lịch sử Gyeongju.Mộ của vua Sejong thời Đại Joseon.Làng gia tộc Hahoe, Andong, Nam Triều Tiên.

Di tích lịch sử Gyeongju

Khu di tích lịch sử Gyeongju là nơi lưu đậm dấu tích của nghệ thuật Phật giáo Triều Tiên dưới hình thức những tác phẩm điêu khắc, phù điêu, miếu chùa,... và phần còn lại của những ngôi đền và cung điện trong thời kì rực rỡ nhất của hình thức nghệ thuật Triều Tiên, đặc biệt trong giai đoạn từ thế kỷ thứ 7 đến thứ 10.

Bán đảo Triều Tiên đã trải qua gần 1.000 năm dưới sự cai trị của triều đại Tân La. Quanh gyongju là những địa điểm và di tích mang dấu ấn nổi bật nhất tiểu biểu cho những thành tựu to lớn về văn hóa Hàn Quốc. Những di tích này còn có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong quá trình phát triển Phật giáo và kiến trúc thế tục tại Triều Tiên xưa.

Khu lăng mộ hoàng gia triều đại nhà Triều Tiên

Khu lăng mộ hoàng gia triều đại nhà Triều Tiên gồm hơn 40 ngôi mộ nằm rải rác trên 18 địa điểm với các ngôi mộ được lựa chọn đặt ở những địa điểm đẹp và tốt nhất. Trải qua 5 thế kỷ xây dựng từ 1408 đến năm 1966, khu lăng mộ thể hiện sự tôn vinh và tưởng nhớ tổ tiên, bày tỏ lòng tôn trọng về những thành tựu mà các bậc chí tôn hoàng gia đã đóng góp cho đất nước, khẳng định quyền lực hoàng gia, bảo vệ linh hồn tổ tiên khỏi quỷ dữ và không cho phép bất kì ai phá hoại.

Cảnh quan quanh khu lăng mộ được xây dựng và thiết kế chặt chẽ theo nguyên tắc phong thủy, nổi bật với kiến trúc quần thể và kiến trúc cảnh quan tinh tế. Tuy đã có một ít thay đổi và xâm hại, nhưng khu lăng mộ vẫn giữ được tính xác thực vốn có.

Ngôi làng gia tộc Hahoe và Yangdong

HahoeYangdong được xem là hai ngôi làng gia tộc lịch sử mang tính đại diện nhất cho Triều Tiên. Hai ngôi làng nằm ở Đông Nam bán đảo Triều Tiên, được bao bọc bởi núi rừng, đối diện với một con sông và những cánh đồng, chứa đựng nét văn hóa độc đáo của giới quý tộc Nho giáo vào giai đoạn đầu của triều đại nhà Triều Tiên.

Ở những quần thể nhà cổ nổi bật trong hai ngôi làng này, cách bố trí và phong cách xây dựng truyền thống chính là những điểm đặc biệt thể hiện hệ thống xã hội và văn hóa dưới thời nhà Triều Tiên.

Đảo núi lửa Jeju và hệ thống ống dung nham

Toàn khu di tích rộng 18.864 ha. Trong đó hệ thống ống dung nham Geomunoreum được xem là hệ thống hang động đẹp nhất thế giới, vòm và nền hang được trang hoàng màu sắc rực rỡ với đá cacbonat. Núi đá túp tròn Seongsan Illchulbong có hình dạng một pháo đài vươn khỏi mặt biển. Núi Halla là ngọn núi cao nhất Hàn Quốc với nhiều thác nước và miệng núi lửa nay đã trở thành hồ chứa nước. Di tích này ghi nhận những đặc tính và quá trình hình thành, phát triển của hành tinh.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Văn_hóa_Triều_Tiên http://www.galleries.bc.ca/agso/japancer.html http://articoolz.com/2010/07/asian-fashion-and-kor... http://www.everyculture.com/Ja-Ma/North-Korea.html http://www.everyculture.com/Ja-Ma/South-Korea.html http://www.everyculture.com/wc/Japan-to-Mali/South... http://books.google.com/books?id=XrZQs-6KswMC&prin... http://books.google.com/books?id=jjOva6fF96AC&prin... http://books.google.com/books?id=pg5Qi28akwEC http://hanquocngaynay.com/about_content.php?x=7&y=... http://www.koreainfogate.com/aboutkorea/item.asp?s...